Contents
- 1 Giấc ngủ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa glucose và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
- 2 Thiếu ngủ làm vết thương trên da khó lành và da cũng dễ lão hóa hơn
- 3 Thiếu ngủ khiến bạn khó chịu và cáu kỉnh
- 4 Thiếu ngủ liên quan đến nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cao hơn
- 5 Thiếu ngủ có thể gây ra ảo giác, rất nguy hiểm khi tham gia giao thông
- 6 Thiếu ngủ khiến bạn phản ứng chậm với mọi thứ xung quanh
- 7 Người thiếu ngủ có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ
- 8 Giấc ngủ ngon giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch
- 9 Những người thường xuyên có giấc ngủ ngon thường ăn ít calo hơn
- 10 Giấc ngủ ngon có thể cải thiện sự tập trung và năng suất làm việc
- 11 Giấc ngủ kém có thể khiến bạn bị béo phì
- 12 Thiếu ngủ có liên quan trực tiếp với bệnh trầm cảm
- 13 Giấc ngủ kém chất lượng làm tăng tình trạng viêm nhiễm
Giấc ngủ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa glucose và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
Giấc ngủ kém gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến lượng đường trong máu và làm giảm độ nhạy insulin.
Một nghiên cứu được thực hiện ở những người đàn ông trẻ khỏe mạnh cho thấy, khi họ chỉ ngủ 4 giờ mỗi đêm trong 1 tuần, cơ thể họ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng tiền tiểu đường. Những triệu chứng này biến mất sau 1 tuần họ được tăng thời lượng giấc ngủ.
Ngủ không đủ giấc cũng có sự liên quan mạnh mẽ đến các tác dụng phụ với lượng đường trong máu. Những tác dụng phụ này là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Thiếu ngủ làm vết thương trên da khó lành và da cũng dễ lão hóa hơn
Theo nghiên cứu của Đại học Wisconsin tại Madison, Wisconsin, Hoa Kỳ, thì chất lượng giấc ngủ kém liên quan chặt chẽ với các vấn đề về da mạn tính. Các nghiên cứu cũng phát hiện da bị tổn thương bởi ánh nắng mặt trời hoặc các yếu tố khác cũng khó lành ở những người thiếu ngủ, vì vậy da của những người này có nhiều dấu hiệu lão hóa hơn người bình thường.
Thiếu ngủ khiến bạn khó chịu và cáu kỉnh
Có thể chính bạn cũng không nhận ra, nhưng sự thật là bạn sẽ dễ cáu kỉnh với mọi thứ xung quanh hơn nếu đêm hôm trước không ngủ đủ. Nghiên cứu cũng cho thấy khả năng nhận thức của mọi người bị suy giảm khi thiếu ngủ, dẫn đến việc họ mắc lỗi nhiều. Và cũng vì thế mà họ dễ cáu gắt với chính bản thân mình.
Thiếu ngủ liên quan đến nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cao hơn
Theo nghiên cứu năm 2003 trên những người làm việc theo ca, thiếu ngủ và gián đoạn lịch trình giấc ngủ có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, đáng chú ý nhất là ung thư đại tràng và ung thư vú.
Thiếu ngủ có thể gây ra ảo giác, rất nguy hiểm khi tham gia giao thông
Như bạn đã biết, đừng bao giờ lái xe khi buồn ngủ.
Ngay cả khi bạn cố gắng giữ mắt mình còn mở, các nghiên cứu cho thấy những người thiếu ngủ báo cáo ảo giác đường hầm (nhìn thấy mình đi vào một đường hầm tối với ánh sáng le lói ở cuối con đường), nhìn đôi (thấy mọi thứ tách thành 2 như người say rượu) và mờ mắt.
Những ảo giác này đặc biệt nguy hiểm nếu bạn đang lái xe.
Thiếu ngủ khiến bạn phản ứng chậm với mọi thứ xung quanh
Lại thêm một lý do củng cố cho việc bạn không nên lái xe khi thiếu ngủ. Tốc độ phản ứng của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi không ngủ đủ giấc.
Vì vậy, cũng không có gì ngạc nhiên khi thiếu ngủ khiến mọi người vụng về hơn. Nghiên cứu cho thấy một đêm không ngủ sẽ khiến các bác sĩ phẫu thuật tăng nguy cơ mắc lỗi từ 20-32%. Những vận động viên chơi các môn thể thao đòi hỏi độ chính xác như bắn súng cũng mắc nhiều sai lầm hơn khi họ thiếu ngủ.
Người thiếu ngủ có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ
Trong một bảng đánh giá tổng hợp từ 15 cuộc nghiên cứu cho thấy những người không ngủ đủ giấc có nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ cao hơn người ngủ ngon từ 7 – 8 giờ mỗi đêm.
Giấc ngủ ngon giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch
Một nghiên cứu lớn kéo dài 2 tuần đã theo dõi sự phát triển của bệnh cảm lạnh sau khi cho những người tham gia tiếp xúc với virus gây bệnh.
Nghiên cứu này phát hiện ra rằng những người ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm có sự nhạy cảm với virus cao gấp 3 lần so với những người ngủ đủ 7 – 8 giờ.
Vì thế, các chuyên gia sức khỏe khuyên rằng, nếu bạn thường xuyên bị cảm lạnh, bạn có thể ăn nhiều tỏi và ngủ ít nhất 8 giờ mỗi đêm để cải thiện tình trạng.
Những người thường xuyên có giấc ngủ ngon thường ăn ít calo hơn
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy những người thiếu ngủ thường có cảm giác thèm ăn và có xu hướng ăn nhiều calo hơn.
Thiếu ngủ làm kích hoạt chức năng hoạt động của các hormone gây cảm giác thèm ăn. Điều này dẫn đến khả năng điều chỉnh cơn thèm ăn của cơ thể bị giới hạn. Từ đó, người bị thiếu ngủ thường ăn nhiều hơn người có giấc ngủ ngon dù họ không có cảm giác đói.
Giấc ngủ ngon có thể cải thiện sự tập trung và năng suất làm việc
Giấc ngủ ngon rất quan trọng đối với chức năng hoạt động của não bộ. Điều này bao gồm nhận thức, khả năng tập trung và hiệu suất làm việc.
Nếu bạn bị thiếu ngủ, những chức năng trên sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Theo Healthline, kết quả của một nghiên cứu về thực tập y tế đã chứng minh điều này. Theo đó, tỷ lệ thực tập sinh phải làm việc liên tục 24 giờ đã gây ra các lỗi y tế nghiêm trọng cao hơn đến 36% so với những thực tập sinh làm việc theo lịch và thường xuyên có giấc ngủ ngon.
Giấc ngủ kém có thể khiến bạn bị béo phì
Giấc ngủ kém chất lượng có mối quan hệ chặt chẽ với nguy cơ khiến bạn bị tăng cân hoặc béo phì.
Trên thực tế, những người bị thiếu ngủ có xu hướng nặng cân hơn đáng kể so với những người ngủ bình thường. Trong một nghiên cứu tổng quan về giấc ngủ kết luận, trẻ em và người lớn ngủ không đủ giấc có nguy cơ béo phì tăng đến 89% (ở trẻ em) và 55% (ở người lớn).
Nếu bạn đang cố gắng giảm cân, một trong những yêu cầu cần thiết là bạn phải có được một giấc ngủ ngon vào mỗi đêm.
Thiếu ngủ có liên quan trực tiếp với bệnh trầm cảm
Bệnh trầm cảm và những vấn đề về sức khỏe tâm thần có liên quan trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ kém hoặc rối loạn giấc ngủ.
Các bác sĩ tâm thần ước tính có khoảng 90% bệnh nhân trầm cảm phàn nàn về chất lượng giấc ngủ của bản thân. Thậm chí, người không có giấc ngủ ngon còn bị tăng nguy cơ tử vong do tự tử.
Tương tự, những người mắc chứng rối loạn giấc ngủ như mất ngủ hoặc ngưng thở khi ngủ cũng có tỷ lệ trầm cảm cao hơn những người không mắc bệnh.
Giấc ngủ kém chất lượng làm tăng tình trạng viêm nhiễm
Giấc ngủ có thể ảnh hưởng lớn đến tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể bạn.
Trên thực tế, chứng mất ngủ làm kích hoạt các dấu hiệu viêm và tổn thương tế bào. Trong đó, thiếu ngủ khiến bạn có nhiều nguy cơ viêm đường tiêu hóa hoặc các rối loạn chức năng ruột.
Nhiều nghiên cứu y tế khẳng định rằng những người thiếu ngủ mắc bệnh Crohn có khả năng tái phát cao gấp đôi so với những bệnh nhân có giấc ngủ ngon.