Contents
Sốt rét
Đây là một trong những bệnh phổ biến nhất do muỗi gây ra, vật trung gian truyền bệnh là muỗi anophele. Đa phần các trẻ mắc bệnh sốt rét thể nhẹ và vừa đều có thể hồi phục hoàn toàn mà không phải chịu bất kỳ ảnh hưởng nào kéo dài. Trường hợp trẻ bị mắc sốt rét thể nặng, con có thể phải chịu các ảnh hưởng lâu dài lên hệ miễn dịch, khả năng nhận thức, hành vi và khả năng học tập.
Nguyên do là ký sinh trùng sốt rét cũng có thể xâm nhập vào hệ thống miễn dịch của trẻ và làm giảm khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch. Do đó, người từng mắc bệnh sốt rét thường không đáp ứng với nhiều loại vắc xin và dễ bị nhiễm trùng. Trong những năm đầu đời, trẻ tiếp xúc với rất nhiều yếu tố kích thích mới như vi khuẩn, vi trùng, nấm… Nếu hệ miễn dịch của con không đủ mạnh, nguy cơ bé bị các bệnh sẽ gia tăng.
Theo một bài báo nghiên cứu thì sự suy giảm nhận thức về ngôn ngữ, trí nhớ, sự chú ý… là gánh nặng tiềm ẩn của căn bệnh sốt rét.
- Triệu chứng nhận biết:
Khi trẻ mới mắc bệnh, con có thể có các biểu hiện ban đầu như sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, cơ thể nhức mỏi, thường xuyên buồn nôn, ói mửa…
- Những gì cha mẹ cần làm
Nếu con bạn bị sốt rét, hãy cảnh giác với các triệu chứng như co giật, hôn mê và lượng đường trong máu thấp. Những triệu chứng này là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ nhiễm trùng cấp tính cao và phải được điều trị ngay lập tức.
Nếu con bạn từng bị bệnh sốt rét và thường xuyên bị ốm, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa và hỏi về vấn đề đáp ứng miễn dịch bị ức chế.
Ngoài ra, bạn nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch như trái cây họ cam quýt, sữa chua, hạnh nhân, rau xanh…
Chikungunya
Trẻ từng mắc bệnh chikungunya có thể rơi vào tình trạng trầm cảm. Những ảnh hưởng từ chứng trầm cảm có thể nhận thấy trong vòng một năm sau khi trẻ bị nhiễm căn bệnh này. Đây là nguyên nhân làm cho việc trẻ mắc bệnh chikungunya trở thành một trong những điều đáng lo ngại nhất trong danh sách các bệnh lây truyền qua vết muỗi chích.
- Triệu chứng nhận biết:
Trẻ mắc bệnh sốt chikungunya thường có các triệu chứng như sốt, đau khớp, đau cơ, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, phát ban… Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt khoảng từ 4 đến 8 ngày.
Một số triệu chứng của bệnh giống với bệnh sốt xuất huyết và bệnh zika nên dẫn đến tình trạng chẩn đoán nhầm ở những vùng mà hai căn bệnh này thường xảy ra.
- Những gì cha mẹ cần làm:
Nếu con bạn từng bị nhiễm bệnh chikungunya và thường phàn nàn về sự thay đổi tâm trạng hay bạn nhận thấy bé thường xuyên thay đổi tâm trạng, hãy đưa trẻ đi khám và thảo luận với bác sĩ.
Ngoài ra, những trẻ từng mắc chikungunya cũng có thể bị đau khớp nên mẹ cần lưu ý đến tình trạng này.
Bệnh sốt thung lũng Rift (Rift Valley – RVF)
Bệnh sốt thung lũng Rift là do loại virus phlebovirus gây ra. Virus này tồn tại trong cơ thể vật chủ là các gia súc như trâu, bò, cừu, dê… truyền sang cơ thể người thông qua vết muỗi chích hay chạm vào máu động vật bị nhiễm bệnh, hít thở không khí xung quanh con vật bị nhiễm bệnh bị giết mổ, uống sữa tươi từ động vật bị nhiễm bệnh…
Các loài muỗi khác nhau như aedes, anopheles, eretmapodites, mansonia… có thể đóng vai trò là trung gian truyền bệnh. Vì vậy nguy cơ bệnh xuất hiện ở những khu vực có mặt các loài muỗi này sinh sống là hoàn toàn có thể xảy ra. Người bị sốt thung lũng Rift có thể gặp các biến chứng rất nguy hiểm như mù, mắc các bệnh liên quan đến não, hoại tử gan, gan sưng phồng, có điểm xuất huyết trên gan, hạch lympho sưng, đôi khi có thêm triệu chứng vàng da… thậm chí là tử vong.
- Triệu chứng nhận biết:
Người mắc bệnh sốt thung lũng Rift có thời gian ủ bệnh thường từ 2 – 6 ngày. Bệnh khởi phát với các triệu chứng giống bệnh cúm như sốt đột ngột, đau đầu, đau cơ và đau lưng, có thể kèm theo các dấu hiệu cứng cổ, sợ ánh sáng và nôn ói. Đây là những triệu chứng có thể gây nhầm lẫn với bệnh viêm màng não. Những triệu chứng bệnh sẽ hết sau 4 – 7 ngày.
- Những gì cha mẹ cần làm:
Nếu nơi bạn ở có sự hiện diện của một trong những loài muỗi kể trên, hãy cảnh giác. Nếu bé bị sốt, bạn nên đưa bé đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em có thể gây ra các tác động đến sự phát triển thể chất ngay cả sau khi đã hết bệnh. Căn bệnh này được biết đến là nguyên nhân gây ra những cơn đau dữ dội ở cơ và khớp – hay gọi là viêm đa khớp và đau cơ.
Trường hợp trẻ bị thiếu hụt vitamin hoặc khoáng chất mắc bệnh sốt xuất huyết, mức độ các cơn đau này có thể nghiêm trọng hơn so với các trẻ bình thường khác.
- Triệu chứng nhận biết:
Khi bị sốt xuất huyết, các bé thường có các biểu hiện: sốt cao, nổi ban, nhức đầu, chảy máu răng, dễ bầm tím… nghiêm trọng hơn là đau bụng, tiêu chảy ra máu hay xuất huyết dưới da…
- Những gì cha mẹ cần làm:
Nếu con bạn bị sốt xuất huyết và đã điều trị khỏi nhưng bé vẫn than phiền về tình trạng đau khớp, hãy đưa trẻ đi tái khám càng sớm càng tốt. Các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để đánh giá cơn đau của trẻ. Từ đó sẽ kê cho trẻ dùng loại thuốc phù hợp và hướng dẫn bạn thay đổi chế độ ăn uống cho trẻ để cải thiện cơn đau.
Bệnh viêm não Nhật Bản
Virus gây bệnh viêm não Nhật Bản tồn tại trong cơ thể các vật chủ như chim và heo. Muỗi hút máu của những con vật nhiễm bệnh rồi truyền cho con người qua vết đốt. Muỗi truyền căn bệnh này thường trú ngụ ở những nơi có ao tù, nước đọng, vùng đầm lầy, ruộng lúa…
Virus gây bệnh có thể lây nhiễm vào não và dẫn đến tổn thương não nghiêm trọng. Điều này không chỉ gây cản trở đến sự phát triển của trẻ mà còn có thể gây tử vong với tỷ lệ khoảng 25 – 30% số ca mắc bệnh.
- Triệu chứng nhận biết:
Người mắc bệnh viêm não Nhật Bản thường khởi phát với các triệu chứng tương tự bệnh cúm nhẹ như sốt, đau đầu, sốt cao, lên cơn co giật, hôn mê bất tỉnh, nhức đầu dữ dội…
- Những gì cha mẹ cần làm:
Nếu gia đình bạn sống trong khu vực có nguy cơ cao mắc bệnh này và con bạn có các triệu chứng như sốt, đau đầu… hãy đưa trẻ đi khám sớm để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Hiện nay, y học chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh viêm não Nhật Bản. Do đó, tốt nhất bạn nên cho trẻ tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản và tránh để muỗi chích.
Bệnh giun chỉ bạch huyết hay bệnh phù chân voi
Bệnh phù chân voi xảy ra khi hệ thống bạch huyết bị tắc nghẽn, dẫn đến tích tụ dịch bạch huyết. Lúc này, da và các tổ chức ở khu vực bị tổn thương sẽ dày lên và có thể bị viêm.
Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm ấu trùng giun chỉ khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, ấu trùng giun chỉ cư trú trong hệ bạch huyết, phát triển thành giun và gây tắc nghẽn hệ thống bạch huyết và dẫn đến sưng ở mặt, chân tay… Sự biến dạng này có thể kéo dài vĩnh viễn, gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng.
Người bị bệnh phù chân voi có thể phải chịu các biến chứng nguy hiểm như đái dưỡng chấp (tiểu ra dưỡng chấp), tổn thương thận…
- Triệu chứng nhận biết:
Người bị nhiễm giun chỉ thường có các triệu chứng đặc trưng như chân phù to, cứng, nhấn vào không lõm, không đau. Ngoài ra, da ở vùng bị ảnh hưởng trở nên cứng và dày. Bộ phận sinh dục cũng có thể phù to, gây tràn dịch màng tinh hoàn, da bìu xơ cứng và xù xì…
- Những gì cha mẹ cần làm:
Nếu con bị nhiễm giun chỉ, bạn cần thực hiện một số biện pháp dưới đây để giúp kiểm soát bệnh:
- Giữ vệ sinh hàng ngày cho trẻ và rửa sạch vùng da bị tổn thương bằng xà phòng
- Thoa thuốc hoặc kem kháng sinh lên vùng da bị tổn thương theo đúng chỉ định của bác sĩ
- Khuyến khích trẻ vận động vùng tay, chân bị tổn thương thường xuyên để giúp dịch trong hạch bạch huyết lưu thông.