Contents
Nếp cái hoa vàng “Gia Miêu ngoại trang”
Mặc dù lúa nếp cái hoa vàng được trồng tại nhiều tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ nhưng không ở đâu cho chất lượng đặc biệt, dẻo thơm như lúa nếp cái hoa vàng được trồng tại vùng đất xã Hà Long huyện Hà Trung (Thanh Hóa). Với người dân Hà Long, cấy lúa nếp cái hoa vàng không chỉ là một nghề mà còn là nét văn hóa được gìn giữ và nuôi dưỡng cho thế hệ mai sau với mong muốn giống lúa nếp đặc sản này có thể tiếp tục bay xa, được xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới, mang lại giá trị kinh tế cao cho người lao động.
Nếp cái hoa vàng được trồng duy nhất 1 vụ trong năm, khoảng từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch, năng suất đạt trung bình đạt 40 tạ/ha. “Nếp cái hoa vàng” vốn rất gẫn gũi với người nông dân nhưng lại là đặc sản có thương hiệu nổi tiếng, là giống lúa chất lượng cao nhất trong bộ giống lúa nếp của nước ta hiện nay. Khi cây lúa trổ đòng, phấn hoa có màu vàng ruộm chứ không trắng như các loại lúa khác. Bất kỳ ai đi ngang qua cũng cảm nhận được mùi thơm ngát, mát dịu của hương lúa nếp mơn man nơi cánh mũi. Nhắm mắt, hít một hơi thật sâu để có thể tận hưởng trọn vẹn hương thơm của bông lúa từ khi trổ đòng đến khi lúa chín được nấu thành xôi hoặc làm thành bánh.
Hạt gạo nếp cái hoa vàng “Gia Miêu ngoại trang” tròn đầy như con ong, hương thơm dịu, nhấm thử thấy vị ngọt nhẹ man mát như sữa non lan tỏa nơi đầu lưỡi. Khi nấu chín hạt nếp trong và ráo, bóng, dẻo nhưng không nát. Đồ xôi, làm cốm, làm các loại bánh truyền thống sau 3-4 ngày vẫn mềm và ngon, mùi hương nếp thơm ngào ngạt nên được người tiêu dùng đặc biệt ưa thích. Với nhiều ưu điểm vượt trội của giống gạo quý, vị đậm đà, mềm dẻo và thơm lừng, thường dùng gói bánh chưng hoặc làm bánh trong các dịp lễ tết, có thể bảo quản dài ngày mà bánh không bị lại gạo. Ngoài ra nếp cái hoa vàng còn được sử dụng để nấu ủ và tạo ra thứ rượu thơm ngon hảo hạng dùng tiếp khách mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Với những đặc điểm, chất lượng vượt trội và thương hiệu sẵn có, ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường, được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Hàng năm, mỗi độ Tết đến, Xuân về, nhiều gia đình trong huyện Hà Trung và các huyện lân cận thường tìm đến đây để mua gạo nếp cái hoa vàng “Gia Miêu ngoại trang” về chế biến thành những món ngon đãi khách hoặc để biếu người thân như món quà quý.
Gạo nếp cẩm
Gạo nếp cẩm còn gọi là nếp than, gạo đen, là loại gạo có màu sẫm thay vì màu trắng thông thường, khi nấu lên sẽ trở thành màu đỏ hoặc màu tím đen.
Gạo nếp cẩm được trồng ở rất nhiều vùng miền trong cả nước, tuy nhiên gạo nếp cẩm Tây Bắc mà cụ thể là Điện Biên nổi tiếng hơn hẳn về độ thơm ngon cũng như chất lượng gạo. Từng hạt gạo căng mẩy, bóng, đều nhau tăm tắp, chỉ cần vốc một nắm gạo trên tay cũng có thể cảm nhận được hương vị thơm dịu của núi rừng.
Đây là loại gạo có thành phần dinh dưỡng rất cao nên còn được gọi là “bổ huyết mễ” (gạo bổ máu). Gạo nếp cẩm có thể nấu thành cơm xôi hoặc dùng nấu rượu, ủ rượu nếp cũng là một bài thuốc quý bổ máu huyết, trừ giun sán, kích thích tiêu hóa…Ngoài những món ăn truyền thống, thì hiện nay các loại thực phẩm được chế biến từ gạo nếp cẩm cũng khá đa dạng như: Sữa chua nếp cẩm, bánh chưng nếp cẩm, bánh ít nếp cẩm, ….
Gạo nếp nhung
Trong những loại gạo nếp ngon thì gạo nếp nhung, loại gạo được gieo trồng ở các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, là loại gạo được nhiều người yêu thích, xuất khẩu đi khắp các tỉnh thành trong cả nước. Là loại gạo có tỉ lệ ra hạt cao nhất.
Gạo nếp nhung có hạt to, tròn, mập, màn trắng đục. Gạo khi nấu lên thành xôi có cảm giác nó nở ra, mùi thơm ngay từ khi nước sôi, hạt xôi dẻo thơm, có độ dính, ăn vào thấy vị ngọt, đến khi nguội vẫn còn giữ được độ keo dính.
Trong gạo nếp nhung có chứa đến 80% hàm lượng glucid, tỉ lệ tấm chưa đến 6%, không có tạp chất vô cơ và độ ẩm dưới 11%. Gạo nếp nhung là một phần không thể thiếu trong văn hóa lễ hội của dân tộc, là nguyên liệu để làm các món bánh chưng, bánh giày, bánh đúc,…
Gạo nếp cái Hoa Vàng Kinh Môn Hải Dương
Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng thơm ngon vượt trội hơn các giống gạo nếp khác, là giống gạo nếp quý ngon nhất Việt Nam.“Gạo nếp cái hoa vàng” là giống lúa nếp truyền thống nổi tiếng của huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, luôn có trong thực đơn của nhiều nhà hàng, khách sạn lớn trong cả nước. Dù chỉ cần nghe qua những lời trong bài thơ “Hạt gạo làng ta” của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã đi vào tâm thức bao thế hệ cũng thấy được hạt gạo nơi đây ngon đến nhường nào.
Cái tên “nếp cái hoa vàng” vốn rất gẫn gũi với người dân đã trở thành đặc sản có thương hiệu nổi tiếng, là giống lúa chất lượng cao nhất trong bộ giống lúa nếp của nước ta hiện nay. Khi cây lúa trổ đòng, phấn hoa có màu vàng ruộm chứ không trắng như các loại lúa khác. Bất kỳ ai đi ngang qua cũng cảm nhận được mùi thơm ngát, mát dịu của hương lúa nếp mơn man nơi cánh mũi, mênh mang trên những cánh đồng cò bay thẳng cánh. Cùng nhắm mắt, hít một hơi thật sâu để tận hưởng trọn vẹn hương thơm của bông lúa từ khi trổ đòng đến khi lúa chín được nấu thành xôi hoặc làm thành bánh.
Hạt gạo nếp cái hoa vàng tròn đầy, hương thơm dịu, nhấm thử thấy vị ngọt nhẹ man mát như sữa non lan tỏa nơi đầu lưỡi. Khi nấu chín hạt nếp trong và ráo, bóng, dẻo nhưng không nát. Đồ xôi, làm cốm, làm các loại bánh truyền thống sau 3-4 ngày vẫn mềm và ngon, mùi hương nếp thơm ngào ngạt nên được người tiêu dùng đặc biệt ưa thích. Với nhiều ưu điểm vượt trội của giống gạo quý, vị đậm đà, mềm dẻo và thơm lừng, thường dùng gói bánh chưng hoặc làm bánh trong các dịp lễ tết, có thể bảo quản dài ngày mà bánh không bị lại gạo chỉ có ở nếp cái hoa vàng Kinh Môn. Chính vì thế nên một số doanh nghiệp đến từ Pháp đã tìm về tận huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương để tận mắt chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa vào mùa gặt hái, thưởng thức và đặt hàng thu mua loại gạo nếp đặc sản này.
Nếp cái hoa vàng còn được sử dụng để nấu ủ và tạo ra thứ rượu thơm ngon hảo hạng dùng tiếp đón khách quý khi dịp Tết đến, xuân về. Chỉ cần rót chén rượu nếp bày trên mâm, vị thơm của hương nếp cũng đủ làm ngây ngất lòng tiên tửu. Năm 2017, gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn được vinh dự bình chọn top 150 sản phẩm đạt thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, đã khẳng định được vị thế, uy tín riêng của nông sản tiêu biểu trên thị trường.
Quy trình sản xuất gạo nếp cái hoa vàng luôn được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ khâu gieo trồng đến thu hoạch và bảo quản, đảm bảo sự đồng đều về chất lượng. Toàn bộ sản phẩm sau khi chế biến sẽ được đóng gói và mang nhãn hiệu tập thể gạo nếp cái Hoa vàng Kinh Môn. Nhờ có thương hiệu và chất lượng tốt nên gạo nếp cái hoa vàng đặc sản tiêu thụ rất ổn định, giá luôn cao hơn các loại gạo nếp khác.
GẠO NẾP A SÀO
A Sào là loại gạo nếp chỉ ăn một lần sẽ nhớ mãi. A Sào hạt nhỏ, tròn, màu trắng sữa, vị ngọt rất thơm dẻo và dai. Điều đặc biệt ở gạo nếp A Sào là khi thổi xôi hoặc nấu cơm nếp đều rất tơi, thơm nồng, vị ngọt dẻo, dai. Mỗi khi mùi hương của gạo nếp a Sào bay trong lên trong bếp, người ta đều có cảm nhận như được về với quê nhà, những ngày thơ ấu giúp bà, giúp mẹ, vừa quạt bếp vừa nấu xôi. Mùi hương của A Sào kỳ diệu thế, chỉ là hạt gạo thôi, mà lại khiến ta bồi hồi xao xuyến!
A Sào, cái tên như phảng phất phong vị núi cao, như hiện lên trước mắt ta hình ảnh của những con đường quanh co, mảnh ruộng bậc thang vàng ruộm, và những ngôi nhà trình tường Vương Phủ. Ấy thế mà chẳng mấy người biết, nó lại được sinh ra trên quê lúa Thái Bình, vùng đất thuần nông xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ.
Chuyện kể rằng xưa kia A Sào là nơi công phủ khi Hưng Đạo Vương 18 tuổi mới được phong tước Thượng Vị Hầu, vâng mệnh đến trông coi kho gạo của triều đình trong hơn 3 năm. Thời Trần Nhân Tông, ông giữ chức Tiết chế thống lĩnh các doanh thủy bộ, đánh tan 50 vạn quân Nguyên sang xâm lược nước ta do Thoát Hoan cầm đầu. Vua truyền cho thôn A Sào sửa chữa nhà cũ để làm sinh từ của vương. Sau khi ông mất, trong đền thờ tượng của ông và cả tượng Yết Kiêu, Dã Tượng. Bên bờ sông Hóa gần đó có tượng một con voi do Hưng Đạo Vương sai đắp để tưởng nhớ con voi trận mà ngài cưỡi khi qua sông Hóa đuổi quân Ô Mã Nhi. Voi lội bùn sâu không rút chân lên được nên phải bỏ lại.
Nguồn gốc lịch sử của A Sào tựa như một di sản mà ông cha đã để lại cho đời sau. Hiểu được sự thiêng liêng ấy, các nhà khoa học của Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed) chọn tạo và phát triển để A Sào trở thành một loại gạo có nhiều ưu điểm nổi bật, phù hợp với điều kiện ngoại cảnh. Tuy A Sào được chọn tạo mới nhưng vẫn giữ được vị thơm ngon đậm chất quê hương Bắc Bộ và cái tên gợi nhiều liên tưởng thú vị cho người thưởng thức
Gạo nếp nương Điện Biên
Trong số rất nhiều những loại gạo nếp được sử dụng phổ biến trên khắp cả nước, có lẽ gạo nếp nương Điện Biên là sản phẩm nổi tiếng nhất. Có lẽ, chỉ cần nhắc đến cái tên Điện Biên thôi đã đủ để người ta tin tưởng vào chất lượng của loại gạo nếp nơi đây.
Có lẽ vì được trồng trên nương, uống nước núi rừng nên không phải chỉ khi nấu mới có mùi thơm, mà từ khi còn là hạt gạo, nếp nương Điện Biên đã mang trong mình một mùi hương thoang thoảng. Hạt nếp thơm, mềm dẻo, ngọt, là loại gạo nếp ngon nhất nhì, chính là đặc sản có một không hai của Điện Biên, của núi rừng Tây Bắc.
Gạo nếp nương Điện Biên phân biệt với các loại gạo nếp khác chính là những hạt mẩy, dài (gạo nếp vốn hạt hơi tròn, mập), màu trắng sữa. Những hạt nếp nương Điện Biên căng tròn, khi nấu lên có độ sáng bóng, vị ngọt, thơm, mềm dẻo. Nấu thành xôi có cảm giác như xôi không được kết dính lắm, hạt gạo không nở nhiều như các loại nếp khác. Nhưng khi ăn vào, mới thấy hết vị ngọt, sự dẻo, thơm trong hạt cơm và ăn không hề bị cứng.
Gạo nếp nương không sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật nên nhiều người ví nó như là một đặc sản của trời đất ban cho con người. Gạo nếp nương Điện Biên có nhiều thành phần dinh dưỡng như Calori, Protein, Cacbon hydrat, các nguyên tố vi lượng. Từ gạo nếp nương, bà con vùng Tây Bắc sáng tạo ra nhiều món ngon vô cùng đặc sắc, kỳ công và ngon miệng như làm bánh chưng nếp nương lá riềng, xôi ngũ sắc, bánh dày,…
Có lẽ, nếp thơm Điện Biên chính là đặc sản trời cho mà không ở vùng cao nào có được, nó đã trở thành niềm tự hào của những người dân Điện Biên nói riêng, vùng núi rừng Tây Bắc nói chung.
Nếp Gà gáy Mỹ Lung
Nếp Gà gáy Mỹ Lung nổi tiếng là thứ gạo đặc sản ngàn năm của người dân tộc Mường ở huyện Yên Lập (Phú Thọ) gắn liền với huyền thoại được nhiều người dân nơi đây truyền miệng từ đời này sang đời khác.
Lúa nếp gà gáy có sự tích từ câu chuyện về một người con gái xinh đẹp đã từ chối nhiều chàng trai giàu có để đem lòng yêu một chàng nông dân chịu thương chịu khó, chăm chỉ làm ăn. Đêm tân hôn của hai vợ chồng, mẹ chồng cô gái dặn ngâm gạo nếp để sáng mai dậy đồ xôi. Vì quá say đắm bên nhau, họ quên mất lời mẹ dặn.Khi tỉnh dậy, gà đã gáy canh ba, người vợ hốt hoảng vội vàng đổ gạo nếp vào ngâm. Lạ thay, nồi xôi hôm đó vẫn dẻo và thơm như mọi ngày. Mẹ chồng biết chuyện, nhìn con dâu với ánh mắt âu yếm và mỉm cười thốt lên “Nếp gà gáy”. Từ đó, cái tên ấy được lưu truyền cho đến ngày nay.
“Nếp gà gáy” không chỉ là nét văn hóa ẩm thực lâu đời của địa phương mà quả thực, hương vị của gạo nếp gà gáy rất thơm ngon, độc đáo. Xôi nếp đồ từ loại gạo này dẻo, bùi mà lại không dính tay, để được hai ngày không bị cứng. Người nào từng ăn qua nếp gà gáy chắc hẳn không thể nào quên được vị ngọt mộc mạc, đậm đà hiếm có. Nếp Gà gáy được trồng từ tháng 5 đến tháng 10. Thóc giống nếp Gà gáy được bảo quản nửa năm trước khi vào vụ mới. Người dân trong xã căn cứ vào màu sắc biến đổi của lá cây cỏ từ màu xanh chuyển màu đỏ ở trên rừng là lúc vào thời vụ gieo lúa hoặc khi cây sổ đang rụng lá thì được đem mạ nếp Gà gáy đi gieo. Đặc biệt, nếp Gà gáy chỉ ngon và đạt năng suất cao khi trồng ở đất pha cát, nước từ khe suối chảy ra.
Nếp Gà Gáy không được gặt bằng liềm hay máy mà phải thu hoạch từng bông bằng tay cùng dụng cụ có tên là “túm”. Lúa được bó thành từng “cúm”, gánh về phơi. Khi những cúm lúa đã săn, người Mường không đem đi suốt mà cho vào bao hoặc treo lên gác bếp. Hạt thóc khi xát ra nhìn nửa trắng, nửa trong, tỏa hương thơm dễ chịu. Hiện nay, nếp Gà gáy Mỹ Lung đã được giới thiệu và vươn tới thị trường khắp mọi miền đất nước, góp phần cho những bữa cơm thêm thơm ngon và mang đậm bản sắc Văn hóa ẩm thực của miền quê Đất Tổ.
Gạo nếp Tú Lệ
Gạo nếp Tú Lệ là loại gạo có hạt mẩy, hương thơm và vị ngọt đậm đà. Gạo khi đồ chín cho hạt xôi trắng, căng bóng rất hấp dẫn, xôi vẫn dẻo dù để nguội. Nếp thích hợp dùng để nấu xôi hoặc trộn cùng các loại gạo khác để cơm trở nên dẻo và ngon hơn. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng để làm bánh, nấu chè… mang lại nhiều món ăn ngon cho cả gia đình.
Gạo nếp Tú Lệ có hàm lượng tinh bột, đạm, protein và chất xơ cao, giúp bổ sung năng lượng tuyệt đối cho bữa ăn của bạn, kích thích vị giác, giúp bạn ăn được nhiều hơn mỗi bữa. Ngoài ra, sản phẩm còn chứa hàm lượng rất cao chất chống oxy hóa anthocyanin – một chất có tiềm năng chống lại bệnh ung thư, tim mạch và nhiều bệnh khác. Hơn nữa Gạo nếp Tú Lệ còn được đóng túi dày dặn, kín hơi, đảm bảo không để côn trùng và các tác động ngoại cảnh khác làm ảnh hưởng đến chất lượng của gạo.
Gạo nếp Tú Lệ chẳng cần phải thêm đỗ, thêm dừa cho đậm đà mùi vị. Chỉ xôi gạo không thôi mới thấy hết sự mộc mạc của núi rừng, sự tinh túy của trời đất. Ngoài thổi xôi, gạo nếp Tú Lệ dùng để gói bánh chưng, giã bánh dày hay chế biến các món bánh khác cũng đặc biệt thơm ngon. Sẽ thú vị hơn khi trong mỗi mâm cỗ ngày lễ tết hay trong mỗi túi quà quê biếu người đi xa, có thêm hương vị của nếp Tú Lệ – đặc sản của một vùng quê hương Yên Bái.